/

Đề xuất áp dụng hình phạt tù chung thân không xét giảm án tại 14 tội danh

07:58 08/04/2025
38 lượt xem

Bộ Công an đang đề xuất bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án vào Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), áp dụng đối với 14 tội danh, trong đó có một số tội danh từng quy định mức án cao nhất là tử hình.

Bổ sung hình phạt mới: Tù chung thân không xét giảm

Theo định nghĩa trong dự thảo, tù chung thân không xét giảm án là hình phạt tù không xác định thời hạn và không được xem xét giảm hình phạt đã tuyên, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt như được ân giảm, đại xá hoặc được hưởng đặc xá theo luật định. Đây là hình phạt áp dụng cho những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị xử tử hình. Thời hiệu thi hành án được xác định tương đương với án tù chung thân và án tử hình – tức 20 năm.

Tuy nhiên, hình phạt này không áp dụng đối với người chưa đủ 18 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ 75 tuổi trở lên tại thời điểm phạm tội hoặc xét xử.

Phạm nhân may quần áo tại Trại giam số 5, Yên Tâm, Yên Định, Thanh Hóa. Ảnh: Ngọc Thành

Hai nhóm tội danh được áp dụng

Theo đề xuất, có 7 tội danh mà hình phạt tù chung thân không xét giảm án sẽ thay thế cho án tử hình làm mức cao nhất, gồm:

  1. Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109)

  2. Gián điệp (Điều 110)

  3. Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Nhà nước (Điều 114)

  4. Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194)

  5. Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250)

  6. Tham ô tài sản (Điều 353)

  7. Nhận hối lộ (Điều 354)

Riêng với tội tham ô và nhận hối lộ, nếu người phạm tội đã chủ động nộp lại ít nhất 75% tài sản chiếm đoạt, đồng thời có hành vi hợp tác tích cực với cơ quan chức năng hoặc lập công lớn, thì có thể được chuyển xuống mức hình phạt tù chung thân thông thường (mức liền kề nhẹ hơn).

Ngoài ra, 7 tội danh khác vẫn giữ mức án tử hình là hình phạt cao nhất, nhưng sẽ bổ sung thêm tù chung thân không xét giảm án vào khung hình phạt, bao gồm:

  1. Phản bội Tổ quốc (Điều 108)

  2. Bạo loạn (Điều 112)

  3. Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113)

  4. Giết người (Điều 123)

  5. Hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142)

  6. Sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248)

  7. Mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251)

So sánh với pháp luật quốc tế

Theo tổ chức Penal Reform International (PRI), hiện có khoảng 65 quốc gia áp dụng hình phạt tù chung thân không ân xá, chủ yếu đối với các tội như giết người, khủng bố, ma túy, phản quốc hoặc tội phạm tình dục nghiêm trọng.

Tại châu Âu, hình phạt này tồn tại dưới hai hình thức: tù chung thân có thời hạn xét ân xá và tù chung thân không ân xá. Ví dụ tại Pháp, tù nhân chịu án chung thân có thể nộp đơn xin ân xá sau khi chấp hành ít nhất 18 hoặc 22 năm tù, tùy mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng (giết trẻ em kèm hiếp dâm hoặc tra tấn, khủng bố…), thời gian này có thể kéo dài tới 30 năm. Nếu bị từ chối, tù nhân có thể bị tuyên “vĩnh viễn không được giảm án”.

Ở Mỹ, hình phạt chung thân cũng chia thành dạng “có thể xin ân xá” và “không ân xá”. Án không ân xá thường áp dụng cho các vụ án cực kỳ nghiêm trọng, ví dụ như kẻ xả súng James Holmes năm 2012 bị tuyên 12 án tù chung thân không ân xá cộng thêm hơn 3.000 năm tù.

Singapore hiện quy định hơn 40 tội danh có thể bị kết án tử hình. Hình phạt liền kề là tù chung thân, nghĩa là tù trong suốt quãng đời còn lại. Sau 20 năm thụ án, phạm nhân có thể được xem xét giảm án nhưng không có đảm bảo sẽ được phóng thích.

Những điều chỉnh khác trong dự thảo

Bên cạnh đề xuất thêm hình phạt tù chung thân không xét giảm án, Bộ Công an cũng đề xuất mở rộng hệ thống hình phạt trong Bộ luật Hình sự. Cụ thể, ngoài 8 hình phạt chính hiện nay, dự thảo bổ sung 2 hình phạt bổ sung mới là: cấm nhập cảnhgiám sát điện tử.

Như hiện hành, mỗi hành vi phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính, kèm theo một hoặc nhiều hình phạt bổ sung nếu cần thiết.

Mục tiêu của việc bổ sung hình phạt mới, theo Bộ Công an, là đảm bảo tính răn đe, công bằng và hiệu quả trong xử lý tội phạm, đồng thời phù hợp hơn với thực tiễn áp dụng pháp luật và kinh nghiệm quốc tế.

PV Tổng Hợp

Xem thêm phản hồi...